Xuất khẩu gạo liên tiếp nhận tin vui
Xuất khẩu gạo liên tiếp nhận tin vui
Những ngày đầu năm đơn hàng xuất khẩu gạo đã tới tấp, giá gạo Việt Nam tiếp tục lập đỉnh vượt nhiều đối thủ cạnh tranh.
Giá gạo dự báo sẽ tiếp tục tăng
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ ở một vài địa phương. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo là 458 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022. Giá lúa tại Sóc Trăng cũng vẫn giữ ổn định như Đài Thơm 8, OM 5451 là 6.800 đồng/kg; ST 24 là 8.000 đồng/kg.
Còn tại Hậu Giang, giá lúa có biến động tăng nhẹ ở một số loại như IR 50404 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 là 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Riêng RVT vẫn ổn định ở mức 8.200 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp(DN) xuất khẩu gạo, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày càng nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn.
Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, công ty vừa chốt được đơn hàng 8.000 tấn gạo thơm. Trước đó, DN này cũng chốt đơn 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc, dự kiến xuất từ đầu năm 2023.
Theo ông Bình, giá gạo 5% tấm đang ở mức rất cao và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Còn giá gạo chất lượng cao xuất khẩu cũng ở mức 750-1.200 USD/tấn tuỳ loại. Đây là mức giá có lợi cho DN xuất khẩu gạo Việt.
Đơn hàng công ty Trung An nhận được kéo dài đến tháng 4/2023, quý I gần như kín đơn. Để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp.
Phản ánh từ các DN cho biết, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn như năm 2022 vừa qua. Không chỉ tăng cả sản lượng và giá trị, hạt gạo Việt ngày càng chiếm lĩnh nhiều thị trường. Trong đó, nhiều thị trường "khó tính" cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 85%, thị trường EU tăng 82%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tăng do nhu cầu cao từ những nước nhập khẩu. Mới đây, Philippines, khách hàng nhập gạo số một của Việt Nam, quyết định không tăng thuế nhập khẩu đối với gạo, nhằm kiềm chế lạm phát trong nước. Trước đó, Indonesia và Bangladesh cũng công bố các kế hoạch nhập khẩu gạo phục vụ nhu cầu trong nước. Những yếu tố này đã giúp thị trường gạo thế giới tăng giá liên tục trong những ngày gần đây.
Nhiều cơ hội
Nhận định của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho biết, xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023. Theo BSC, diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo.
Trong bối cảnh cầu tăng, DN xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, theo BSC, năng lực cạnh tranh của gạo Việt vẫn chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá gạo kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới. Mặt khác, chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục gây áp lực lên DN ngành gạo.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, các DN xuất khẩu gạo cần chủ động hợp tác để có được vùng nguyên liệu đủ lớn (tương xứng với sản lượng xuất khẩu) trên cơ sở “quyền lợi phải được phân phối hài hòa, công bằng, minh bạch và rủi ro cùng nhau chia sẻ”. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo thuận lợi và khuyến khích các DN đi tìm đối tác bạn hàng; mở rộng các thị trường tại Mỹ; EU, Trung Đông, Tây và Bắc Á. Tạo thuận lợi cho “liên kết 4 nhà” lấy DN là “mắt xích” chính để có những dự án hoặc hợp đồng liên kết sản xuất lúa - gạo có giá trị gia tăng từ gieo trồng đến tiêu thụ sản phảm; nâng cao thu nhập cho người trồng.
Để nắm bắt cơ hội xuất khẩu cho ngành gạo, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt.
Nguồn sưu tầm